TỪ CỘT ĐÁ CHÙA DẠM ĐẾN THÁP BÚT ĐỀN NGỌC SƠN VÀ THÁP BÚT TRƯỜNG THPT CHUYÊN NGUYỄN HUỆ


TỪ CỘT ĐÁ CHÙA DẠM ĐẾN THÁP BÚT ĐỀN NGỌC SƠN VÀ THÁP BÚT TRƯỜNG THPT CHUYÊN NGUYỄN HUỆ

Thế kỷ X-XIV, đạo Phật ở Việt Nam rất phát triển, một số nhà vua thời Lý - Trần đi tu thờ Phật, nhiều chùa tháp được xây dựng, trong đó có Chùa Dạm ở huyện Quế Võ, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Chùa dược xây dựng năm 1068 trên nền đất cao. Nền đất có 4 tầng. Ở tầng thứ ba tính từ dưới lên, chính giữa có cột đá cao 5 mét, dưới vuông trên tròn, chạm rồng. Sau cột là giếng. Cột và giếng là hai hình tượng mang tín ngưỡng phồn thực, âm dương của người Việt, nhằm cầu mong người và vật được sinh sôi nảy nở. Khi ánh sáng của Mặt Trời soi vào cột (dương) sẽ tạo ra bóng của cột ngả vào giếng (âm) [1].

Năm 1751, chúa Trịnh Doanh đàn áp xong cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Danh Phương tại núi Độc Tôn, nay thuộc tỉnh Thái Nguyên. Để kỷ niệm chiến công này, Trịnh Doanh cho đắp đá xung quanh gò đất ở cổng đền Ngọc Sơn, bờ hồ Hoàn Kiếm, và đặt tên là núi Độc Tôn. Đền Ngọc Sơn thờ thần Văn Xương, chủ về việc học hành. Việc làm của Trịnh Doanh nhằm thể hiện võ công và văn trị. Năm Tự Đức thứ 18 (1865), theo ý tưởng của án sát Nguyễn Văn Siêu, chính quyền tỉnh Hà Nội cho xây dựng trên đỉnh núi Độc Tôn ngọn tháp bằng đá, hình trụ vuông, chia thành 5 tầng, trên đỉnh có hình bút lông. Điều này nhằm khẳng định đất Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Thân Tháp Bút có 3 chữ 寫青天 (tả thiên thanh), tức là viết lên trời xanh. Vậy lấy mực đâu mà viết ? Cùng với Tháp Bút, một công trình nữa được xây dựng vào thời gian này là Đài Nghiên, tức là nghiên mực bằng đá ở nóc cửa vào Đền Ngọc Sơn (đầu cầu Thê Húc). Thông thường, cứ đến giờ thìn (7h - 9h sáng), là giờ của học sinh vào học, Mặt Trời chiếu ở phía Đông làm cho bóng của bút trên đỉnh tháp ngả đúng vào nghiên mực, như thể là tả thiên thanh được rồi [2].

Lấy ý tưởng này, Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, xây dựng Tháp bút nằm giữa Khu Hiệu bộ và Nhà Đa năng. Đế của Tháp là bể nước, ví như bể học mênh mông. Trong bể nước có nhiểu tảng đá nhấp nhô trên mặt nước, ví như con đường học vô vàn gian nan thử thách. Đến giờ thìn, ánh nắng Mặt Trời từ phía Đông chiếu vào Tháp bút, bóng của đỉnh Tháp chạm vào Bể non bộ để lấy mực viết nên cả Thư viện sách của Trường. Tháng 5-2024, Tổ Toán - Tin tiến hành ngoại khoá, trong đó có nội dung về đo chiều cao của tháp bút. Mình đề xuất tính xem vào ngày Hạ chí (21-6-2024), vào lúc mấy giờ thì ngọn tháp sẽ chạm vào Bể non bộ trước Thư viện.

Hà Đông, ngày 4-9-2024

Nguyễn Hữu Sơn

Chú thích:

[1] Phạm Thị Chính, Lịch sử Mĩ thuật Việt Nam, NXB Đại học Sư pham, Hà Nội, 2009, trang 49.

[2] Trịnh Mạnh, Tiếng Việt tinh nghĩa, NXB Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 2009, trang 265.

Ảnh dưới đây là Tháp bút và Bể non bộ tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ do tác giả chụp ngày 13-5-2024.

Ảnh: Tháp bút tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ do tác giả chụp ngày 13-5-2024

Ảnh: Bể non bộ tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ do tác giả chụp ngày 13-5-2024




Chia sẻ


Các tin khác:

Weblinks