LỄ BẢO VỆ LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH LỊCH SỬ VIỆT NAM


LỄ BẢO VỆ LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH LỊCH SỬ VIỆT NAM

Sáng ngày 31 tháng 10 năm 2023, tại Hội trường tầng 2 nhà H, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, số 336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, đồng chí Nguyễn Hữu Sơn - giáo viên Lịch sử Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ đã bảo vệ thành công xuất sắc Luận án tiến sĩ với đề tài: Biến đổi kinh tế, xã hội ở Hà Đông từ năm 1986 đến năm 2018 - Chuyên ngành Lịch sử Việt Nam, mã số: 62 22 03 13.

Đến tham dự buổi bảo vệ có đồng chí Lương Quỳnh Lan - Bí thư Đảng bộ - Hiệu trưởng nhà trường; đồng chí Phạm Thúy Hằng - Phó Hiệu trưởng; đồng chí Đinh Hữu Lâm - Phó Hiệu trưởng; đồng chí Lê Đăng Tặng - Chủ tịch Công đoàn và các thầy cô giáo trong Đảng ủy nhà trưởng, Chi bộ Xã hội và tổ Xã hội cùng với gia đình, bạn bè, phụ huynh và nhiều thế hệ học sinh của thầy giáo Nguyễn Hữu Sơn.

Đảng ủy, Ban giám hiệu tặng hoa chúc mừng thầy giáo Nguyễn Hữu Sơn

Đại diện Công đoàn tặng hoa chúc mừng thầy giáo Nguyễn Hữu Sơn

Chi bộ Xã hội và Tổ Xã hội tặng hoa chúc mừng đồng chí Nguyễn Hữu Sơn

Đồng chí Nguyễn Hữu Sơn cùng cán bộ hướng dẫn và

các thành viên trong Hội đồng chấm luận án

Luận án của đồng chí Nguyễn Hữu Sơn được Hội đồng đánh giá xuất sắc, có giá trị khoa học cao và ứng dụng thực tiễn cao. Phát biểu cuổi bảo vệ, đồng chí Nguyễn Hữu Sơn rất xúc động, chân thành cảm ơn các cơ quan, nhà trường; cán bộ hướng dẫn, các thành viên trong Hội đồng chấm luận án; các thầy cô giáo trong Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Công đoàn, Chi bộ Xã hội, Tổ Xã Hội trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ; gia đình, bằng hữu, các thế hệ phụ huynh và học sinh đã tạo thuận lợi, cổ vũ, động viên để đồng chí đạt được kết quả như ngày hôm nay. Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ cũng rất tự hào có một giáo viên dạy giỏi - một tân tiến sĩ Lịch sử. Nhà trường rất mong với thành tích đạt được, đồng chí Nguyễn Hữu Sơn sẽ tiếp tục đóng góp trí tuệ, tâm huyết xây dựng khối chuyên Sử của nhà trường thêm vững mạnh!

Dưới đây là một phần nội dung của Luận án tiến sĩ do đồng chí Nguyễn Hữu Sơn chia sẻ.

MỘT SỐ BIẾN ĐỔI VĂN HOÁ, LỐI SỐNG Ở HÀ ĐÔNG SAU NĂM 1986

Mở đầu

Văn hóa là những giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử. Văn hoá được coi là toàn bộ các khía cạnh của cuộc sống xã hội như ngôn ngữ, tiếng nói, tôn giáo, tư tưởng, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh… của dân tộc, đất nước, nhân loại. Lối sống là những nét điển hình, được lặp đi lặp lại và định hình thành phong cách, thói quen trong đời sống cá nhân, nhóm xã hội, dân tộc, hay là cả một nền văn hóa. Thuật ngữ lối sống lần đầu tiên được sử dụng bởi nhà tâm lý học người Áo Alfred Adler (1870-1937). Trong bài viết này, tác giả xin để cập khái quát một số biến đổi văn hoá, lối sống ở Hà Đông trong quá trình đất nước đổi mới từ năm 1986 đến nay.

Biến đổi văn hoá, lối sống giai đoạn 1986 - 2008

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đã mở đầu công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ nhằm xây dựng và vệ Tổ quốc Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Công cuộc đổi mới đem lại những thành tựu to lớn, những cũng còn nhiều tồn tại và khó khăn thách thức.

Trong quá trình đổi mới, kinh tế, xã hội có nhiều biến đổi dẫn đến biến đổi văn hóa, lối sống. Từ bỏ cơ chế bao cấp không chỉ là từ bỏ cơ chế kinh tế cũ, mà còn từ bỏ suy nghĩ, tâm lý và lối sống cũ đã ăn sâu 30 năm (1958-1988). Cùng với đó, khi đất nước hội nhập quốc tế, Hà Đông liền kề Thủ đô nên dễ tiếp thu văn hoá thế giới, gồm cả yếu tố tích cực và tiêu cực.

Nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân ngày càng phong phú, đa dạng. Ngoài báo giấy, loa truyền thanh, đài phát thanh, truyền hình, còn có báo mạng internet và các nền tảng công nghệ số rất phổ biến, góp phần nâng cao dân trí và nhu cầu giải trí của các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ. Trò chơi điện tử, karaoke, điện ảnh số hóa... ngày càng phát triển. Trong khi đó, các loại hình giải trí truyền thống như, múa rối nước, hát chèo, tuồng, cải lương, kịch nói... ngày càng mai một. Văn hoá phẩm đồi truỵ, phim ảnh và game bạo lực xuất hiện lén lút hoặc công khai, hấp dẫn giới trẻ.

"Phú quý sinh lễ nghĩa" trong các hoạt động hiếu hỷ, lễ hội, sinh nhật, liên hoan, kỷ niệm... Trong việc hiếu, hình thức hỏa táng và khách đến viếng không ăn cỗ ngày càng phổ biến. Trong việc hỷ, ngày càng nhiều gia đình sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp, tổ chức ở nhà văn hóa thôn, hội trường tổ dân phố, hoặc ở nhà hàng, khách sạn. Việc tổ chức sinh nhật, liên hoan, kỉ niệm diễn ra phổ biến. Nhiều gia đình đi thăm quan, du lịch trong và ngoài nước, một số người có điều kiện đi nghỉ dưỡng. Người dân ngày càng có ý thức chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Xuất hiện cơ sở spa, massage, thể hình, khiêu vũ... Các hoạt động yêu thương và tôn vinh phụ nữ, chăm sóc người già và trẻ em được chính quyền, xã hội, từng gia đình và mỗi cá nhân quan tâm ngày càng thiết thực.

Nhiều công trình phúc lợi công cộng được xây dựng và nâng cấp, như Vườn hoa Hà Đông, Vườn hoa Nguyễn Trãi, Cung thiếu nhi Hà Đông, Câu lạc bộ hưu trí Hà Đông... Mỗi làng và tổ dân phố đều xây dựng nhà văn hóa. Nhiều đình, chùa, miếu... được công nhận là di tích văn hóa, được trùng tu. Làng xã phục hưng lễ hội truyền thống đáp ứng nhu cầu tôn giáo, tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa của nhân dân. Nhà thờ Thiên chúa giáo được trùng tu và diễn ra nhiều hoạt động văn hoá tôn giáo thu hút đông đảo giáo dân tham gia. Nhiều họ tu bổ hoặc xây mới nhà thờ họ, lập quỹ khuyến học, như họ Hoàng ở làng Đa Sĩ, họ Ngô ở phường La Khê, họ Lê và họ Trịnh ở xã Yên Nghĩa...

Một số hội được thành lập và hoạt động tự phát, như hội đồng ngũ, đồng hương, đồng niên, đồng môn... Hoạt động đền ơn đáp nghĩa và từ thiện diễn ra phổ biến như, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, nạn nhân chất độc da cam, các gia đình chính sách, người nghèo, người khuyết tật... Chỉ tính riêng năm 1997, nhân dân Hà Đông ủng hộ 600 triệu đồng tới đồng bào miền Trung bị bão số 5 và 862 triệu đồng vào "Quỹ đến ơn đáp nghĩa". Bên cạnh ủng hộ đồng bào trong nước, nhân dân Hà Đông còn ủng hộ nhân dân Cuba vào các năm 1992, 1994 và 1996 được 1 tỷ đồng [1, tr. 498].

Từ năm 1995, hưởng ứng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, tỷ lệ gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, làng văn hóa, cơ quan văn hóa ở Hà Đông ngày càng cao. Chỉ tính riêng danh hiệu gia đình văn hóa, năm 1996 đạt 78% [1, tr. 498], năm 2008 đạt 82% [2, tr. 64].

Do thu hút người nhập cư từ nhiều nơi, nhiều dân tộc nên đời sống văn hóa ở Hà Đông phong phú, đa dạng, thậm chí phức tạp. Một số người nhập cư xuất phát là nông dân, lối sống tiểu nông lạc hậu. Ở những xã mới chuyển thành phường, nông dân thành thị dân, nhưng văn hóa và lối sống của họ còn "già làng non phố", duy trì hủ tục mê tín dị đoan, gia trưởng, trọng nam khinh nữ, cục bộ dòng họ, tùy tiện, trọng tình hơn trọng lý… Vì thế, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên là lực lượng đi đầu trong việc hình thành lối sống văn minh ở đô thị mới.

Biến đổi văn hoá, lối sống giai đoạn 2009 - 2018

Ngày 28-5-2008, Quốc hội sáp nhập tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội. Ngày 8-5-2009, Chính phủ thành lập quận Hà Đông trên cơ sở toàn bộ diện tích đất tự nhiên và dân số hiện có của thành phố Hà Đông. Từ khi được sáp nhập vào Thủ đô, Hà Đông chú trọng xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch văn minh. Ngày 12-1-2009, Thành ủy Hà Đông đề ra Chương trình Tiếp tục thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn hóa. Trong khi đó, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục được thực hiên. Thông qua hệ thống truyền thanh, chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, các văn bản của thành phố Hà Nội, của quận và các hoạt động từ quận đến cơ sở. Chính quyền nâng cấp và đưa vào sử dụng Cổng thông tin điện tử quận Hà Đông góp phần đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền.

Chính quyền và nhân dân đẩy mạnh xây dựng và thực hiện các quy định văn hóa. Chính quyền bổ sung quy hoạch kinh doanh karaoke, vũ trường; quản lý các di tích lịch sử, văn hóa, các lễ hội truyền thống trên địa bàn. Tỷ lệ gia đình, tổ dân phố, cơ quan đơn vị đạt danh hiệu văn hóa ngày càng cao và vượt chỉ tiêu đề ra. Từ năm 2009 đến năm 2018, tỷ lệ hộ đạt gia đình văn hóa tăng từ 83,9% lên 89,7%, tỷ lệ khu phố văn hóa, cơ quan đơn vị văn hóa cũng tăng lên [3, tr. 24, 25].

Ở các xã mới chuyển thành phường, công nghiệp hóa và đô thị hóa làm văn hóa nông nghiệp, nông thôn, nông dân chuyển dần sang văn hóa công nghiệp, đô thị và thị dân. Xóm làng nông nghiệp được phố hóa càng hấp dẫn và thu hút các luồng di cư đến Hà Đông làm ăn, sinh sống. Quá trình hình thành không gian đô thị mới cũng là quá trình hình thành môi trường xã hội mới, nếp nghĩ mới, sinh hoạt mới, ứng xử mới, thường được gọi là lối sống thị dân. Quá trình đô thị hóa là tiền đề khách quan để tiếp nhận văn hóa mới. Chuyển biến văn hóa nông thôn sang thành thị là bước tiến gấp theo kịp những trào lưu văn hóa tiến bộ của Thủ đô, đất nước và thế giới trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Trong thời đại công nghiệp 4.0 và hội nhập toàn cầu, con người có thể làm việc từ xa. Máy vi tính, điện thoại thông minh, kết nối internet trở thành nhu cầu không thể thiếu. Văn hóa giải trí gắn với khoa học - công nghệ hiện đại ngày càng phổ biến, như phim ảnh, ca nhạc, trò chơi điện tử, karaoke, selfie trên mạng facebook, zalo... Giới trẻ có trào lưu "đu trend" lan toả trên nền tảng công nghệ số. Một số sinh hoạt mới xuất hiện, như đi chơi chợ hoa, chợ đồ cũ và phố lụa ở phường Vạn Phúc vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, thưởng thức cà phê ở khu phố trung tâm gần Nhà thờ Hà Đông, tập thể dục ở Vườn hoa Nguyễn Trãi hoặc khuôn viên khu chung cư...

Bên cạnh mặt tích cực, những yếu tố tiêu cực của cơ chế thị trường len lỏi vào giáo dục, y tế và đời sống xã hội. Một bộ phận nhân dân, nhất là giới trẻ, đang hình thành lối kinh doanh chụp giật, lừa lọc, lối sống vị kỷ, buông thả, thiếu trách nhiêm với gia đình và xã hội. Một số khác tham vọng cá nhân, cơ hội nên bất chấp tất cả, không từ một thủ đoạn nào. Họ trở nên đáng sợ và làm mất lòng tin trong xã hội.

Một số cha mẹ, ông bà do mưu sinh, hoặc chạy theo ham muốn cá nhân nên thiếu quan tâm giáo dục đầy đủ đối với con cháu. Trẻ em bị thiệt thòi về tình cảm, thiếu nhiều kỹ năng sống, thậm chí lâm vào trầm cảm, hoặc tự kỷ. Nhiều học sinh do áp lực học tập, hoặc nơi cư trú không có sân thể thao nên ít vận động thể chất, sớm phát sinh bệnh tật.

Đời sống cư dân được ổn định và cải thiện toàn diện, nhưng xung đột tình cảm ngày càng nhiều. Số vụ ly hôn tăng và có xu hướng trẻ hóa. Tình trạng tranh chấp đất đai trong gia đình, làng xóm rất phức tạp. Hiện tượng khiếu kiện đông người kéo dài gây mất trật tự xã hội. Một số cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, vi phạm kỷ luật, pháp luật đến mức phải khai trừ khỏi Đảng và khởi tố... Tội phạm gia tăng và có xu hướng trẻ hóa, nhất là lứa tuổi vị thành niên; xuất hiện tội phạm công nghệ cao, xuyên quốc gia, buôn bán người, tội phạm môi trường, “tín dụng đen”, chống người thi hành công vụ... Tệ nạn xã hội phức tạp như, đua xe trái phép, mê tín dị đoan, cờ bạc, rượu chè, ma túy, mại dâm…

Điểm đáng lưu ý là, Hà Đông ngày càng tiếp nhận nhiều thành phần dân cư từ nhiều địa phương trong cả nước, thậm chí cả ở nước ngoài, tới cư trú nên văn hóa, lối sống của cư dân ở Hà Đông rất đa dạng, phong phú. Chúng ta có thể chia văn hóa của cư dân ở Hà Đông thành ba khối.

Một là, khối văn hóa của cư dân bản địa trong các làng xã cũ, với đặc trưng văn hóa tiểu nông, quan hệ họ hàng làng xóm, lối sống trọng tình. Từ năm 2010-2011, Hà Nội đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, cư dân nông thôn từng bước thích ứng với lối sống đô thị hiện đại. Nhờ hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, họ ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Công nghiệp hóa và đô thị hóa thúc đẩy một bộ phận nông dân chuyển sang hoạt động phi nông nghiệp. Cư dân nông thôn có nhịp sống tất bật hơn, tác phong nhanh nhẹn, tuân thủ kỷ luật lao động. Bên cạnh lối sống tình nghĩa, chất phác vẫn được dùy trì, người dân hình thành lối sống thành thị, coi trọng hình thức, sự hưởng thụ và sòng phẳng. Sinh hoạt lễ hội, hiếu hỷ, sinh nhật, mừng thọ… được tổ chức thông qua dịch vụ. Dịch vụ ăn uống, lưu trú, giải trí… tràn vào từng ngõ ngách làng quê. Nhiều hội nhóm ra đời và hoạt động tự nguyện làm tăng tính kết nối cộng đồng. Tuy nhiên, văn hóa, lối sống, của khối cư dân này còn hạn chế, như một bộ phận dân trí thấp, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, tư tưởng đố kỵ, cục bộ dòng họ, địa phương…

Hai là, khối văn hóa của thị dân truyền thống ở các phường với lối sống trọng lý. Văn hóa của thị dân góp phần quan trọng tạo nên diện mạo một đô thị. Hầu hết thị dân có trình độ dân trí cao, nhạy bén với kinh tế thị trường, nhu cầu hưởng thụ vật chất, tinh thần cao. Họ có lối sống phóng khoáng, bao dung, dễ tiếp biến, chuyển hóa văn hóa ngoại sinh. Họ có tác phong nhanh nhẹn, linh hoạt thích ứng với nhiều hoàn cảnh, có ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức trách nhiệm trong xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Tuy nhiên, họ có hạn chế, như thực dụng, vị kỷ, thờ ơ… Trong hoàn cảnh hội nhập Thủ đô, khối thị dân này từng bước xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch.

Ba là, khối văn hóa của dân mới nhập cư vào Hà Đông. Trong họ có một bộ phân cư trú xen kẽ ở các làng xã cũ, phố phường cũ, còn đa số sống tập trung ở các khu đô thị mới, chung cư cao tầng phân bố khắp Hà Đông. Hầu hết họ là người trẻ tuổi, có trình độ chuyên môn kĩ thuật cao, làm công hưởng lương. Một số trong họ làm lãnh đạo cơ quan, chủ doanh nghiệp. Văn hóa ứng xử cộng đồng của người ở chung cư khác người ở nhà tập thể (cũ) và càng khác người ở nhà riêng mặt đất. Người ở chung cư có ý thức cao về phòng chống cháy nổ, tôn trọng thứ tự khi sử dụng dịch vụ công, giảm tiếng ồn tới hàng xóm… Họ xây dựng lối sống "bán anh em xa, mua láng giếng gần". Họ chấp hành khá tốt pháp luật của nhà nước và quy định của địa phương. Vì từ nhiều địa phương và gồm nhiều giai tầng khác nhau nên văn hóa của họ rất đa dạng, nhưng đều hướng đến điểm chung là văn hóa của người trí thức thành thị, trọng danh dự, kỷ luật, công bằng, vị tha, linh hoạt…

Ba khối văn hoá, lối sống trên đều hướng đến văn hoá đô thị hiện đại và xây dựng văn hoá người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Kết luận

Vật chất quyết định ý thức, biến đổi kinh tế, xã hội tất yếu dẫn đến biến đổi văn hoá, lối sống. Tuy nhiên, văn hoá, lối sống có tính độc lập tương đối và tác động trở lại kinh tế, xã hội, có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm kinh tế, xã hội phát triển. Đới sống văn hoá, lối sống của cư dân Hà Đông đang từng bước hội nhập với nội thành Thủ đô. Bên cạnh mặt tích cực là chủ yếu, những hạn chế là mảng tối trong quá trình đổi mới ở Hà Đông. Trí thức, học sinh, sinh viên là lực lượng tiên phong trong xây dựng văn hoá, lối sống người Hà Nội thanh lịch văn minh.

Tài liệu trích dẫn

1. Ban Chấp hành Đảng bộ quận Hà Đông (2014), Lịch sử Đảng bộ quận Hà Đông (1926-2010), NXB Hà Nội, Hà Nội.

2. Chi cục Thống kê quận Hà Đông (2013), Niên giám thống kê quận Hà Đông 2008-2012, Hà Đông.

3. Ủy ban Nhân dân quận Hà Đông (2017), Báo cáo số 479/BC-UBND về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018, lưu tại Văn phòng UBND quận Hà Đông. 

Chia sẻ


Các tin khác:

Liên kết website