BÀI PHÁT BIỂU CỦA TỔNG THỐNG BARACK OBAMA


Xin chào mọi người, hôm nay mọi người thế nào? Tôi đang ở đây với các học sinh trường THPT Wakefield, Arlington, bang Virginia. Và chúng ta còn có các học sinh từ mẫu giáo đến lớp mười hai đến từ mọi miền trên nước Mỹ. Tôi rất vui vì các em đã có mặt cùng chúng tôi ngày hôm nay.

Tôi biết rằng với nhiều HS, hôm nay là ngày đầu tiên đến trường. Và đối với các em mới vào mẫu giáo và trường trung học, đây là ngày học đầu tiên ở trường mới, và vì thế cũng dễ hiểu nếu các em có một chút bỡ ngỡ và lo lắng. Tôi cũng có thể tưởng tượng ra các HS năm cuối của trường cao đẳng hẳn bây giờ đang rất phấn chấn vì chỉ còn phải học một năm nữa thôi là sẽ tốt nghiệp.

Và cho dù có đang học lớp mấy đi chăng nữa, chắc chắn là sẽ có một số HS đang ước rằng bây giờ vẫn là mùa hè, để sẽ được ngủ thêm một chút nữa.

Tôi biết cảm giác đó. Khi tôi còn bé, gia đình tôi sống một vài năm ở Indonesia, mẹ tôi không có tiền để gửi tôi vào ngôi trường mà trẻ em người Mỹ đến học. Vì vậy  bà ấy quyết định dạy tôi, từ thứ Hai đến thứ Năm - bắt đầu từ 4 giờ 30 sáng. Tôi không được vui cho lắm khi phải dậy sớm thế. Rất nhiều lần tôi đã ngủ gật ngay tại bàn ăn. Nhưng dù có phàn nàn thế nào đi chăng nữa thì mẹ tôi cũng chỉ lườm tôi và nói: “Đây cũng không phải là buổi dã ngoại của mẹ đâu, quỷ con”.

Vì vậy tôi biết một số HS vẫn đang điều chỉnh để quen với việc trở lại trường học. Nhưng hôm nay tôi có điều quan trọng muốn nói. Tôi ở đây là vì tôi muốn nói về vấn đề giáo dục và về những điều mọi người trông đợi ở các HS trong năm học mới này.

Tôi đã phát biểu rất nhiều về giáo dục và trách nhiệm.

Tôi đã nói rất nhiều về trách nhiệm của giáo viên, là phải truyền cảm hứng cho HS, và động viên HS học.

Tôi đã nói rất nhiều về trách nhiệm của cha mẹ, phải dạy các con đi đúng hướng, dặn dò các con làm bài tập và đảm bảo các con sẽ không dùng cả ngày để ngồi trước TV hoặc chơi game trên các máy Xbox.

Và tôi đã nói rất nhiều về trách nhiệm của nhà nước trong việc lập ra các tiêu chuẩn giáo dục cao, ủng hộ các giáo viên, các hiệu trưởng và giúp đỡ những trường học...

Nhưng, nếu chúng ta đã có được rất nhiều các giáo viên cống hiến hết mình, các bậc phụ huynh biết khuyến khích, giúp đỡ và những trường hàng đầu thế giới mà HS không làm tròn nhiệm vụ của mình thì điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì. Nếu các em không thể hiện hết mình ở trường, chú ý lắng nghe lời thầy cô giáo, tiếp thu lời khuyên của cha mẹ, ông bà và những người lớn tuổi khác thì các em cũng khó để thành công.

Và đó chính là điều tôi muốn nhấn mạnh ngày hôm nay: Trách nhiệm của HS đối với việc học của mình. Và tôi muốn các em bắt đầu từ việc có trách nhiệm với chính bản thân mình.

Muốn làm gì, cũng phải học

Mỗi cá nhân đều có một khả năng. Mỗi người đều có một thứ để cống hiến. Và các em có trách nhiệm khám phá ra thứ đó là gì. Đó chính là cơ hội mà giáo dục có thể mang lại.

Có thể em là một nhà văn giỏi, có thể viết một cuốn sách hoặc một bài viết được đăng trên báo - nhưng em sẽ không thể nào biết được khả năng ấy nếu em không thử viết một tờ báo tường cho môn tiếng Anh. Hoặc em có thể là một nhà phát minh, có khi đủ giỏi để làm ra một loại iPhone hay tìm ra một loại vắc-xin mới - nhưng có thể em không biết khả năng ấy cho đến khi thử làm một dự án cho lớp khoa học...

Dù các em muốn làm gì trong đời, tôi đảm bảo rằng các em sẽ cần được học hành. Các em muốn làm một bác sĩ giỏi, một giáo viên, một cảnh sát? Các em muốn làm y tá hay một kiến trúc sư, một luật sư hoặc một thành viên của quân đội? Các em sẽ cần phải có một sự giáo dục thật tốt cho những công việc trên. Các em không thể bỏ học mà bỗng dưng có được một công việc tốt.

Và việc đó không chỉ quan trọng cho cuộc sống và tương lai của riêng các em. Những thứ các em ứng dụng từ việc học tập còn quyết định cả tương lai của đất nước. Những gì các em học được ở trường ngày hôm nay sẽ quyết định liệu chúng ta có chinh phục được những thử thách lớn nhất sau này không.

Các em sẽ cần sự hiểu biết và các kĩ năng giải quyết vấn đề được học trong toán học và khoa học để chữa các bệnh như AIDS hoặc ung thư, và để khám phá những nguồn năng lượng mới và bảo vệ môi trường. Các em cần phải nhìn thấu và có các nhận xét sâu sắc trong môn lịch sử và các môn khoa học xã hội để chiến đấu với sự nghèo đói, không gia đình, tội phạm và sự phân biệt chủng tộc, và hơn nữa là làm cho đất nước độc lập và công bằng hơn. Các em cần sự sáng tạo và khôn khéo có được trong tất cả các môn học để xây dựng những công ty mới, tạo các việc làm mới và thúc đẩy nền kinh tế của chúng ta.

Chúng ta cần mỗi người các em thể hiện tài năng, kĩ năng và sự thông minh để giải quyết những vấn đề khó khăn nhất. Nếu các em không làm vậy, nếu các em bỏ học, các em sẽ không chỉ bỏ mặc chính mình, mà sẽ bỏ mặc cả đất nước mình nữa.

Tôi đã làm những việc tôi không tự hào...

Tôi biết không không phải lúc nào cũng có thể học giỏi trong trường. Tôi biết có rất nhiều HS đang có những khó khăn rất lớn và vì thế rất khó để tập trung vào bài vở.

Tôi hiểu điều đó. Tôi biết các khó khăn đó như thế nào. Bố tôi bỏ gia đình tôi khi tôi mới có 2 tuổi, và tôi đã được nuôi nấng bởi một mình mẹ, người luôn phải vật lộn để trả các hoá đơn và không thể cho tôi tất cả những gì những đứa trẻ khác có. Có những thời gian tôi nhớ bố kinh khủng và có những lúc tôi cô đơn đến nỗi mà cảm thấy không hoà hợp được.

Và tôi không phải lúc nào cũng tập trung như cần thiết. Tôi đã làm những việc tôi không tự hào, và tôi dây vào rắc rối nhiều hơn tôi tưởng. Và cuộc đời tôi có thể sẽ chuyển sang chiều hướng tồi tệ hơn.

Nhưng tôi đã may mắn. Tôi có rất nhiều cơ hội trong cuộc sống và tôi cũng có cơ hội được vào học đại học, vào trường luật, và theo đuổi ước mơ của tôi. Vợ của tôi, Michelle Obama cũng có câu chuyện tương tự. Bố mẹ cô ấy không học đại học, và họ cũng không giàu lắm. Nhưng họ làm việc rất chăm chỉ và cô ấy cũng vậy, vì thế mà cô ấy đã vào được những ngôi trường tốt nhất ở đất nước này.

Một số HS có thể không có các lợi thế, không có những người lớn tuổi bên cạnh để ủng hộ, có thể một người trong gia đình mất việc, và không có đủ tiền để chi tiêu...

Nhưng hoàn cảnh, ngoại hình, giàu hay nghèo... không phải là lí do cho việc làm bài tập cẩu thả hoặc có những thái độ xấu. Đó không phải là lí do cho viêc cãi lại thầy cô giáo, trốn lớp hoặc bỏ học. Và những thứ đó không phải là lí do cho sự không cố gắng.

Điểm xuất phát của các em không quyết định các em sẽ đi được đến đâu. Không ai định đoạt vận mệnh cho các em mà các em định đoạt chính vận mệnh của mình. Quyết định chính tương lai của mình. Đó là việc mà những người trẻ tuổi vẫn làm.

Những người trẻ tuổi như Jazmin Perez đến từ Roma, Texas. Jazmin không nói tiếng Anh lúc cô đi học những năm đầu tiên. Rất ít người ở khu phố của cô có thể học đại học, và bố mẹ cô ấy cũng thế. Nhưng quan trọng là cô ấy học và làm việc rất chăm chỉ, giành được nhiều điểm tốt, được nhận vào Đại học Brown, và giờ đây cô ấy đang học cao học, ngành sức khoẻ cộng đồng, và đang trên con đường trở thành “Tiến sĩ Jazmin Perez”.

Tôi đang nghĩ về Andoni Schultz, đến từ Los Altos, California, chiến đấu với căn bệnh ung thư não từ khi cậu ấy mới 3 tuổi. Cậu ấy đã chịu đựng đủ mọi sự điều trị và các ca phẫu thuật mà một trong số đó đã ảnh hưởng đến trí nhớ của cậu ấy. Và cậu ấy phải mất đến hàng trăm giờ hơn chúng ta để có thể làm xong bài tập. Nhưng cậu ấy không bao giờ tụt lại đằng sau, và cậu ấy sẽ vào đại học mùa thu này.

Và có cả Shantell Steve, một người đồng hương với tôi ở Chicago, Illinois. Mặc dù lang bạt từ nhà nuôi dưỡng này đến nhà nuôi dưỡng khác, ở những nơi khó khăn nhất, cô ấy vẫn thành công trong việc kiếm được một việc làm ở trung tâm chăm sóc sức khoẻ, lập ra một chương trình để cứu mọi người khỏi những tên côn đồ, và cô ấy đã tốt nghiệp THPT với bằng danh dự và đã học đại học.

Jazmin, Andoni và Shantell không khác với các em cho lắm. Họ gặp những thử thách trong đời cũng như các em vậy. Nhưng họ không bỏ cuộc. Họ đã rất có trách nhiệm với việc học tập của mình và tự đặt ra mục đích cho mình. Và tôi mong muốn các em cũng làm như vậy.

Vì thế mà hôm nay, tôi kêu gọi mỗi HS hãy tự đặt ra mục tiêu cho việc học và hãy làm tất cả mọi thứ để đạt được mục tiêu đó. Thành công của các em có thể là những thứ nhỏ như là làm bài tập hay chú ý nghe cô giảng trong giờ, hoặc là mỗi ngày dành thời gian để đọc một cuốn sách.

Có lẽ em sẽ quyết định tham gia vào một hoạt động ngoại khoá hoặc tình nguyện tại cộng đồng của mình. Có thể em sẽ quyết định bảo vệ cho những đứa trẻ vì xuất thân và ngoại hình của mình mà đang bị bắt nạt hoặc bóc lột, bởi vì cũng như tôi, các em cũng tin tưởng là tất cả trẻ con đều xứng đáng được học và dạy dỗ trong một môi trường an toàn...

Dù các em quyết định làm thế nào, tôi muốn các em cam kết làm nó và làm việc ấy thật nghiêm túc.

Để có được thành công, rất khó!

Tôi biết đôi khi, các em xem trên TV và thấy rằng có thể giàu có và thành đạt mà không cần làm lụng gì cả….

Nhưng sự thật là, để có được thành công rất khó. Các em sẽ không thích tất cả các môn học, không thích tất cả các giáo viên, không phải bài tập nào cũng thích hợp cho cuộc đời của các em trong hiện tại. Và các em sẽ không thể thành công từ lần đầu tiên. Điều đó là bình thường.

Một trong số những người thành công nhất thế giới lại là những người có nhiều thất bại nhất. Tập Harry Potter đầu tiên của JK Rowling đã bị từ chối đến 12 lần trước khi nó được xuất bản. Michael Jordan đã bị loại ra khỏi đội bóng rổ của trường, anh ấy đã thua hàng trăm trận và trượt hàng ngàn quả trong sự nghiệp. Nhưng một lần anh ấy đã nói: “Tôi đã thua rất nhiều, rất nhiều và rất nhiều trong cuộc đời tôi và đó là lí do tại sao tôi thành công”.

Những người này thành công vì họ hiểu rằng không thể để thất bại đánh bại mình, các em phải học hỏi từ những thất bại đó. Các em phải biết cách làm khác đi mỗi lần thất bại... Nếu các em có điểm xấu, nó không có nghĩa các em ngu dốt, nó chỉ có nghĩa là các em cần dành thêm nhiều thời gian để học.

Không ai sinh ra đã giỏi mọi thứ, các em giỏi là nhờ chăm chỉ. Các em không thể là người chơi thể thao dẫn đầu ngay khi mới bắt đầu chơi một môn thể thao. Các em không hát ngay được mọi nốt nhạc khi lần đầu tiên hát một bài. Các em cần phải luyện tập. Nó cũng giống như việc làm bài tập về nhà. Các em có thể phải làm một bài toán vài lần trước khi làm đúng, và đọc một điều gì đó vài lần trước khi hiểu nó...

Đừng ngại hỏi. Đừng ngại đề nghị được giúp đỡ khi gặp khó khăn. Tôi làm thế mọi ngày. Đề nghị được giúp đỡ không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối, đó là dấu hiệu của sự mạnh mẽ. Nó thể hiện các em có sự dũng cảm để được nhận câu trả lời cho những điều mình không biết, và để học hỏi những điều mới. Vì vậy hãy tìm một người lớn nào đó các em có thể tin tưởng, như bố mẹ, ông bà hoặc cô giáo, một huấn luyện viên… và đề nghị họ giúp các em vững bước trên con đường đạt được mục đích của mình.

Kể cả khi các em phải vật lộn, khi không được khuyến khích, và cảm thấy mọi người đang bỏ rơi mình, đừng bỏ cuộc. Vì nếu bỏ lại chính mình, các em cũng sẽ bỏ lại cả đất nước.

Lịch sử không kể về những người bỏ cuộc khi cuộc sống trở nên khó khăn. Nó kể về những con người tiến lên phía trước, cố gắng nhiều hơn, yêu đất nước của mình thật nhiều để cố gắng hết mình.

Đó là câu chuyện về những sinh viên đã ngồi ở chỗ các em ngồi cách đây 250 năm trước, đã tiến hành cách mạng và sinh ra dân tộc này. Đó là những sinh viên đã ngồi ở chỗ các em 75 năm trước để vượt qua khủng hoảng và chiến thắng chiến tranh thế giới, những người đấu tranh cho quyền con người và đưa con người lên mặt trăng. Những sinh viên 20 năm trước đã phát minh ra Google, Twitter và Facebook và thay đổi cách chúng ta giao tiếp với nhau.

Vậy ngày hôm nay, tôi muốn hỏi các em, các em sẽ đóng góp được gì? Các em sẽ giải quyết những vấn đề gì? Khám phá những gì? Liệu tổng thống của đất nước trong 20 năm, 50 năm hay 100 năm nữa sẽ nói gì về các đóng góp của các em cho đất nước.

Gia đình của các em, thầy cô giáo của các em và tôi đang cố gắng hết sức để đảm bảo các em có được nền giáo dục để trả lời các câu hỏi ở trên. Tôi đang cố gắng rất nhiều để sửa sang lại trường học, cung cấp sách vở, các dụng cụ học tập và máy vi tính để các em học.

Nhưng các em cũng phải làm tròn phần việc của mình. Tôi mong muốn các em học tập nghiêm túc trong năm học mới này. Tôi muốn các em làm việc hết sức có thể. Tôi mong muốn những điều tuyệt vời từ các em. Vì vậy đừng làm chúng tôi thất vọng, đừng để gia đình hay đất nước hay bản thân các em thất vọng. Hãy làm tất cả để chúng ta tự hào. Tôi biết các em có thể làm được.
Liên kết website