Bài học từ thầy giáo dạy môn Giáo dục công dân


Trong quãng đời học sinh, tôi coi môn Công dân là một môn phụ nên không cần học bài nhiều, tôi hầu như không tập trung vào môn này. Tôi học chỉ mong sao đủ điểm không bị mất danh hiệu HS giỏi thôi. Nhưng...

Một năm xa trường tôi bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm cũ, kỉ niệm của một thời học sinh tinh nghịch. Nỗi nhớ về bạn bè, thầy cô, trường lớp khiến tôi nhiều đêm phải suy nghĩ. Ba năm học cấp 3 có rất nhiều kỉ niệm, tôi không thể nhớ hết những kỉ niệm vui với lớp, những kỉ niệm buồn giận hờn vu vơ, nhưng có một lời nói của thầy dạy môn Công dân mà làm tôi suy nghĩ hoài…

Bây giờ khi xa trường rồi, tôi có nhiều thời gian để suy ngẫm lại lời thầy nói, tự nhiên tôi thấy thương thầy, thương cái môn giáo dục làm người mà đa số teen đều cho đó là môn phụ. Tôi không hiểu sao thầy có thể chọn môn đó để dạy, có thể là một lý do nào đó. Lúc học cấp 3 tôi cứ đơn thuần nghĩ rằng môn đó là môn nhẹ nhàng, dễ dạy nên thầy đã chọn. Nhưng bây giờ tôi nghĩ lại, thầy chắc có một lý do nào đó nên mới chọn dạy môn này. Năm nay tóc thầy đã lốm đốm bạc, có nghĩa là thầy đã gắn bó với môn này hơn 30 năm. Thầy đã trải qua cái thời bao cấp khó khăn, nhưng vẫn kiên trì đi theo nghề nhà giáo với đồng lương ít ỏi. Tôi khâm phục thầy.

Quãng đời học sinh của mình, tôi coi môn Công dân là một môn phụ nên không cần học bài nhiều, tôi hầu như không tập trung vào môn này. Tôi học chỉ mong sao đủ điểm không bị mất danh hiệu HS giỏi thôi. Nhưng năm lớp 12 dường như lại là bước ngoặt để tôi thay đổi cái nhìn về bộ môn này.

Thầy đứng đó, giảng cho chúng tôi hiểu cách sống và đạo lý làm người. Những trang giáo án đã phai màu thời gian nhưng thầy vẫn giữ. Mỗi tiết học của thầy, tôi khám phá ra nhiều điều thú vị mà trước đây đã từng bỏ qua. Tôi biết thầy vẫn luôn cập nhật thông tin thời sự hằng ngày để đưa vào bài giảng. Lũ bạn của tôi thường rất hứng thú với những câu chuyện thầy kể nhưng lại bỏ qua những triết lý, những bài học sau mỗi câu chuyện. Lâu lâu nhìn thầy, tôi thấy ánh mắt thầy rất buồn, một nỗi buồn xen lẫn sự thất vọng.

Tôi nghe cô tôi kể, không ít giáo viên dạy môn Công nghệ, Công dân, Sử, Địa ngoài việc dạy chuyên môn ở trường thì ngoài giờ vẫn đi dạy thêm những môn "chính" như Toán, Lý, Hóa. Tôi thấy buồn vì thầy cô giáo trẻ ít quan tâm đến cách dạy của mình hơn so với thầy tôi cùng nhiều giáo viên có tuổi khác.

Những tiết học cứ mờ nhạt trôi đi, chẳng lẽ học sinh bây giờ lại thích thầy cô đọc cho chép hơn là nghe giảng từ kinh nghiệm sống như thầy tôi đã làm? Khi so sánh môn Công dân với những môn đang được dạy thì tôi thấy môn này tuy bị coi là môn "phụ" nhưng lại có tầm quan trọng trong việc giáo dục hình thành nếp sống của con người. Thầy tôi đã cố gắng chọn lọc từng chi tiết hay, từng kinh nghiệm quý báu của mình để truyền đạt cho thế hệ sau nhưng có rất ít người chú tâm vào bài học.

Trong một lần tình cờ, tôi được nghe thầy kể lại lý do chọn Giáo dục công dân. Khi thầy quyết tâm theo nghề nhà giáo và chọn môn không-có-cơ-hội-dạy-thêm, thầy đã bị gia đình phản đối rất nhiều. Thầy chọn môn này là vì lời hứa với cô giáo của thầy, một người đã dẫn dắt thầy đến với tương lai. Những bài học từ cô giáo đã ăn sâu vào trong máu thịt. Những đạo lý từ xa xưa, những bài học làm người, những trải nghiệm từ cuộc sống đã giúp thầy chọn nghề giáo viên dạy Công dân.

Thầy nói rằng thế hệ trẻ ngày nay tuy rất năng động nhưng lại chưa hiểu rõ được tầm quan trọng của việc làm người. Chính vì thế mà buổi học cuối cùng thầy đã không nhận bó hoa của cả lớp, vì nghĩ rằng mình đã không làm tròn trách nhiệm dạy chúng tôi. Trước sự ngỡ ngàng và hối hận của chúng tôi, thầy đã nói: “Chừng nào bộ môn Công dân vẫn được các em cho là môn phụ thì tôi vẫn chưa làm tròn trách nhiệm của tôi”.

Câu nói của thầy đã làm chúng tôi suy nghĩ rất nhiều, mặc dù chúng tôi đã xin lỗi thầy nhưng tôi biết thầy vẫn rất buồn. 30 năm đi dạy nhọc nhằn, môn GDCD vẫn bị học sinh cho là không quan trọng. Và phải chăng, thế hệ học sinh sau này vẫn sẽ nghĩ về môn Giáo dục công dân như vậy...

Liên kết website