Quan điểm về chức năng xã hội của văn học trong thời kì văn học trung đại ở Việt Nam


Quan điểm về chức năng xã hội của văn học trong

thời kì văn học trung đại ở Việt Nam

- Nguyễn Minh Ánh -

Đề cập đến chức năng của văn học là đề cập đến mục đích, tác động của tác phẩm với đời sống xã hội, cùng với đó ý nghĩa của hoạt động sáng tạo nghệ thuật với chủ thể sáng tác. Có nhiều quan điểm khác nhau xoay quanh chức năng của văn học, mỗi trường phái quan điểm thường có xu hướng đề cao một phương diện hành chức của văn chương. Tuy nhiên, trên thực tiễn lịch sử của nền văn học Việt Nam, cả lực lượng sáng tác lẫn lực lượng tiếp nhận thường chú trọng vào chức năng xã hội của văn chương hơn cả.

Văn chương là một hình thái kiến trúc thượng tầng mang bản chất xã hội. Bản chất xã hội được thể hiện qua những tác động của văn học với đối với đời sống cộng đồng, nhân loại, và những tác động ấy chính là sự hành chức chức năng xã hội của văn chương. Trong Cơ sở lý luận văn học (1980), tác giả Bùi Ngọc Trác cho rằng chức năng xã hội của văn chương “có tính tổng hợp” từ nhiều mặt khác nhau, trong đó nhận thức, giáo dục và thẩm mĩ là ba phương diện chủ đạo. Gọi là chức năng xã hội là bởi xét về phương diện nhận thức, giáo dục hay thẩm mĩ thì văn chương cũng đều hướng đến mục đích cuối cùng của văn chương cũng là tạo ra những tác động có ý nghĩa cho xã hội, hướng đến một lí tưởng lớn hơn là thay đổi bản chất xã hội bằng tư tưởng và nghệ thuật. Xã hội là môi trường tồn tại của văn học, nơi văn học tạo ra những ảnh hưởng và thu nhận những phản hồi. Xã hội, vì thế, là động lực để văn học phát triển không ngừng.

Như chúng tôi đã đề cập ở đầu bài viết, trong môi trường văn hóa xã hội Việt Nam, việc sáng tác, tiếp nhận văn chương thường dựa trên cơ sở khai thác chức năng xã hội của văn học nghệ thuật. Hồi tưởng lại cuộc chiến văn đàn kinh điển giữa hai phái "nghệ thuật vị nghệ thuật" "nghệ thuật vị nhân sinh", có lẽ bạn đọc chúng ta cũng tự đưa ra được câu trả lời rằng căn tính văn chương Việt Nam có thiên hướng hướng về xã hội, phục vụ con người. Lực lượng sáng tác văn chương có xu hướng gửi gắm có chủ đích những đạo lí, thông điệp, lí tưởng xã hội vào tác phẩm; và lực lượng tiếp nhận cũng có thói quen liên hệ tác phẩm với thực tiễn và tìm kiếm mục đích xã hội của chúng. Văn chương thường được nhìn nhận trên phương diện là một công cụ phục vụ xã hội chứ không chỉ là sản phẩm thỏa mãn nhu cầu nghệ thuật của người nghệ sĩ. Bởi vậy, văn giới có xu hướng đánh giá những tác phẩm giá trị là những tác phẩm có thông điệp xã hội rõ ràng, ảnh hưởng xã hội nổi bật và kết hợp hài hòa với tính nghệ thuật.

Từ xa xưa đã xuất hiện những quan niệm toàn diện về chức năng của văn chương. Theo đó, văn chương đa nhiệm nhiều chức năng khác nhau: “Thơ có thể làm phấn khởi ý chí, có thể giúp quan sát phong tục, hòa hợp với mọi người, bày tỏ nỗi sầu oán, gần thì thờ cha, xa thì thờ vua, lại biết được tên chim muông, cây cỏ” (Luận Ngữ - Dương Hóa). Quan điểm văn học về chức năng xã hội của văn chương được thể hiện rõ nét và sinh động, phong phú trong thời kì văn học trung đại, đóng vai trò cốt yếu định hướng sự phát triển của văn học thời đại. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở đặc điểm tư tưởng của thời đại: nền văn hóa xã hội Việt Nam thời kì phong kiến chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Nho giáo, coi văn chương là phương tiện của khoa cử, chính trị, dụng văn chương để "nói chí, tỏ lòng". Phần tiếp theo của bài viết sẽ phân tích và làm rõ các quan điểm về chức năng xã hội của văn chương trong thời kì văn học trung đại ở Việt Nam cùng với những dẫn chứng, biểu hiện cụ thể.

Trong hệ thống quan điểm văn học chịu ảnh hưởng bởi Nho giáo, quan niệm mang vị trí rường cột chính là quan niệm về chức năng truyền thụ, giáo huấn đạo lí của văn chương: “Văn dĩ tải đạo, thi dĩ ngôn chí”. Đây là quan điểm về chức năng xã hội của văn chương tiêu biểu nhất đời Tống với ý nghĩa là văn chương phải chuyên chở đạo lí (“Văn là để chở đạo cũng như xe là để chở vật […]” – Thông tư – văn từ). Chức năng “chở đạo” của văn chương là hướng con người theo con đường nhận thức, ứng xử, hướng con người về cái đúng, cái chuẩn mực. Nguyễn Trãi đã khẳng định văn chương phải ghi lại những câu đạo lí, cụ thể ở đây là đạo Thánh hiền, và con người luôn phải đặt đạo trung dung làm tôn chỉ hàng đầu cho lẽ sống thẳng ngay:

“Văn chương chép lấy đòi câu thánh

Sự nghiệp tua gìn phải đạo trung

Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược

Có nhân, có trí, có anh hùng.”

(Nguyễn Trãi – Bảo kính cảnh giới, bài 5)

Nguyễn Đình Chiểu cũng nêu cao tuyên ngôn về văn chương chở đạo, mà cụ thể “đạo” ở đây không chỉ là đạo Nho mà còn là đạo lí truyền thống của dân tộc:

“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.

Bên cạnh “chở đạo”, văn chương còn có chức năng để bày tỏ tình cảm, nói chí tỏ lòng, như Thiên Thuấn Điển trong sách “Thượng thư” có chép: “Thi ngôn chí, ca vịnh thơ” (“Thơ dùng để nói chí, ca dùng để ngân dài lời thơ”). Thơ ca là để biểu đạt tư tưởng, để nói lên cái ý chí của con người, chẳng hạn những câu thơ của Phạm Ngũ Lão khẳng định ý chí lập công danh cũng như tấm lòng tận trung của mình: “Nam nhi vị liễu công danh trái / Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu” (“Thuật hoài”). Hay như vị chủ tướng Trần Quốc Tuấn tha thiết bày tỏ tấm lòng quyết xả thân vì nước để đánh đuổi kẻ thù: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ căm tức chưa xả thịt lột da, nuốt gan, uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng” (trích “Hịch tướng sĩ”). Như vậy, về bản chất, “tải đạo”, “ngôn chí” chính là thực hiện chức năng xã hội trên phương diện nhận thức và giáo dục. Chức năng giáo huấn của văn học được đề cao. Văn chương cao quý phải là văn chương nói chí, chở đạo, đưa ra những triết lí nhân sinh, triết lí đời sống, truyên truyền đạo lí để tạo ảnh hưởng về tư tưởng xã hội.

Với truyền thống yêu nước của dân tộc ta, quan điểm văn chương cứu nước, cứu dân là một quan điểm kinh điển về chức năng xã hội của văn chương được đề cao và trở thành một mạch nguồn chính lưu bất tử của văn học dân tộc. Nguyễn Trãi không chỉ khẳng định văn chương góp phần tải đạo Thánh hiền mà còn nhấn mạnh văn chương cũng góp phần bảo vệ dân tộc, dẹp yên quân giặc:

Đao bút phải dùng tài đã vẹn

Chỉ thư nấy chép việc càng chuyên

Vệ Nam mãi mãi ra tay thước

Điện Bắc đà đà yên phận tiên.”

(Bảo kính cảnh giới, bài 56 – Nguyễn Trãi)

Để “vệ Nam, điện Bắc”, phải lấy hết tài năng để sử dụng ngòi bút như một loại vũ khí (“đao bút”). Văn chương tạo ra sức mạnh dân tộc, khẳng định vẻ vang chủ quyền của dân tộc (“Nam quốc sơn hà”, “Bình Ngô đại cáo”), khơi dậy lòng yêu nước, hiệu triệu tinh thần chiến đấu của trăm quân (“Hịch tướng sĩ”). Không những thế, văn chương còn góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống văn hiến của dân tộc, làm cho đạo tư văn của nước ta phát triển, như quan điểm của Nguyễn Trãi trong “Quốc âm thi tập”: Mấy kẻ tư văn người nước Việt / Đạo này nối nắm để cho dài.”

Hiểu rõ chức năng, sứ mệnh cao cả của văn chương đối với đời sống xã hội, các tác giả văn học từ thời kì trung đại đã tự ý thức về vai trò của bản thân mình, thể hiện qua quan niệm về tư cách tác giả là con người nghệ sĩ hài hòa với con người hành động. Nhà thơ, nhà văn không phải những nghệ sĩ trong vũ đài nghệ thuật cô đơn của họ mà còn phải xác định cho bản thân tư cách của một chiến sĩ, một người góp mặt, tham gia và tác động đến mọi sự ở đời. Mỗi nhà thơ phải có một “túi thơ” của riêng mình, trong đó chứa cả giang sơn đất nước như “túi thơ” của vị quan thừa chỉ Nguyễn Trãi: “Thừa chỉ ai rằng thời khó ngặt / Túi thơ chứa hết mọi giang san.” (Tự thán”, bài 2). “Túi thơ” ấy vừa chứa những bức thư được viết dưới tư cách chiến sĩ của Nguyễn Trãi để giao thiệp với nhà Minh, vừa chứa những bài thơ được viết bởi tâm hồn thi sĩ của ông. Từ quan niệm về tư cách tác giả đó, ta cũng có thể hiểu, khi tham gia hành chức các chức năng xã hội, văn chương cũng không hề đánh mất đi tính chất nghệ thuật của mình và ngược lại, văn chương sản sinh từ cảm hứng nghệ thuật chân chính cũng sẽ phụng sự xã hội.

Một quan điểm mang tính tiền đề và căn cốt cho việc thực hành chức năng xã hội của văn chương là quan điểm về bản chất xã hội của văn chương: đời sống là cái gốc, là nguồn đề tài, nguồn cảm hứng sáng tác bất tận của văn học nghệ thuật. Đó chính là quan điểm văn học hiện thực và nhân dân: nhà văn viết từ “những điều trông thấy” (lấy ý từ Truyện Kiều của Nguyễn Du). Văn học phản ánh hiện thực, trong hiện thực ấy không thể không hướng đến con người mà cụ thể là hướng đến đời sống của nhân dân. Phạm Nguyễn Du viết: “Hướng thúy đắc họa Ô Châu địa/ Khước ngoại cô dân bất họa tha” (“Ai đó hướng về đất Ô Châu mà vẽ / Không thể bỏ ra ngoài mà không vẽ cảnh người dân đói khổ”). Cuộc sống của nhân dân với muốn vàn cảnh hỉ, nộ, ái, ố là nguồn cảm hứng cũng là nguồn chất liệu của văn thơ. Việc phản ánh chân xác hiện thực ấy, phụng sự nhân dân, thay lời nhân dân mà nói lên những tiếng lòng, khát vọng sâu kín của quần chúng để thay đổi nhận thức, lan tỏa tinh thần nhân đạo tới mọi người, mọi tầng lớp, hướng tới một xã hội tốt đẹp chính là vai trò thiêng liêng của văn chương nghệ thuật.

Cuối cùng, quan niệm về bản chất thẩm mĩ, chức năng thẩm mĩ của văn chương cũng đã được hình thành từ thời trung đại. Các văn sĩ, thi sĩ đã sớm nhận ra chức năng của văn chương trong việc bồi đắp sự phong phú cho mĩ quan và đời sống tinh thần của con người. Người có rung cảm thẩm mĩ như nghệ sĩ chính là người giàu có: “Nhãn để nhất thì thi liệu phú / Ngâm ông thùy dữ thế nhân đa.” (trích “Hí đề”, Nguyễn Trãi). Nâng cao trình độ năng lực thẩm mĩ của con người trong xã hội chính là một đóng góp quan trọng của văn chương.

Như vậy, trong hệ thống quan điểm văn học thời trung đại, các quan điểm về chức năng xã hội của văn chương đã được thể hiện tương đối đa dạng, khẳng định mối quan hệ mật thiết giữa văn học và đời sống cũng như khả năng tác động, ảnh hưởng của văn chương đến xã hội.

Liên kết website