Học phí phổ thông 5 thành phố lớn đều tăng


Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đưa ra mức dự kiến học phí mới của các thành phố trực thuộc Trung ương tại Hội nghị giao ban lần thứ nhất năm học 2009-2010 khối giao ước thi đua vùng 7 (với 5 thành phố trực thuộc TW: Cần Thơ, TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng) tại Hải Phòng ngày 5/12



Theo ông Nhân, mức học phí mới được thực hiện trong năm học tới (năm 2010) trên tinh thần đảm bảo nguyên tắc phù hợp khả năng chi trả của người dân. Nếu TP.HCM có mức thu bình quân đầu người là 2,74 triệu đồng/người/tháng thì mức học phí tối đa dự kiến sẽ là 200.000 đồng/tháng trở xuống. Hà Nội, thu nhập bình quân 1,936 triệu thì học phí phổ thông tối đa 120.000 đồng/tháng. Hải Phòng 1,37 triệu đồng/người/tháng thì mức thu là 60.000 đồng/tháng.

Tiếp theo, Đà Nẵng mức thu nhập bình quân là 1,572 triệu đồng/người thì học phí cao nhất sẽ là 90.000 đồng/tháng. Cần Thơ, mức thu nhập là 1,438 triệu đồng thì học phí là 75.000 đồng/tháng trở xuống. Tùy theo mỗi vùng thành thị, nông thôn mà các thành phố có thể đưa ra các mức học phí, có thể nội thành cao hơn ngoại thành.

"Học phí sẽ như nhau cả mầm non và phổ thông, chỉ một mức và chỉ đóng một "cục" như vậy, còn lại Nhà nước bù", ông Nhân nói rõ.

Đồng thời, trước hiện tượng "tiền trường" nhiều năm qua, ông Nhân nhấn mạnh tại Hội nghị, ngoài học phí, không thu đồng loạt đóng góp.

"Thu tự nguyện là để tự nguyện chứ không thu đầu năm hàng loạt. Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Tài chính đang soạn hướng dẫn việc này với chủ ý tăng thu từ xã hội và theo khả năng, rõ tính tự nguyện. Khẳng định chỉ đóng học phí, còn các khoản khác đóng tự nguyện"- người đứng đầu ngành Giáo dục nói rõ.

Ông Trần Trọng Khiếm, quyền Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Cần Thơ cho biết, đang đề nghị miễn học phí cho một số đối tượng như mầm non nông thông, HS THCS và học sinh nữ THPT. Theo ông Khiếm, HS THCS và HS nữ THPT có tỷ lệ bỏ học khá cao. Khoản học phí này sẽ do ngân sách bù chi.

Đối với các trường hợp không phải đóng học phí phải khẳng định không phải vì không đóng học phí mà chất lượng giáo dục kém đi, ông Nhân nói rõ.

Đây là năm học đầu tiên triển khai việc thực hiện "3 công khai". Bộ GD-ĐT sẽ đẩy mạnh bồi dưỡng quản lý về tài chính, rà soát lại các hiệu trưởng phải đảm bảo nắm vững được vấn đề giám sát tài chính của nhà trường.

Theo ông Nhân, hết 2010, tất cả các hiệu trưởng phổ thông sẽ được bồi dưỡng theo chương trình hợp tác Việt Nam - Singapore.
Share
Liên kết website