TP Hồ Chí Minh: Hé mở lối ra cho giáo dục mầm non.
-
“Không thể cứ giải quyết phần ngọn”
Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, đưa ra con số khiến người ta phải suy ngẫm: Từ đầu năm đến nay, TPHCM có đến 422 cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành mầm non nghỉ việc. Trong đó có 236 cô giáo - dù rất yêu nghề - không thể tiếp tục đứng lớp.
Đại diện Phòng GD-ĐT quận 3 cho biết thêm: Tuy là quận trung tâm nhưng vẫn không thu hút được giáo viên, quận còn thiếu đến 15 giáo viên. Nguyên nhân do thu nhập giáo viên ngành mầm non quá thấp, nhưng cường độ làm việc lại quá căng thẳng.
Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận cũng nhìn nhận: “Tâm trạng chung của đội ngũ giáo viên ở bậc học mầm non còn nhiều băn khoăn lắm. Yêu nghề mà thu nhập không đủ sống, dần dần các thầy cô cũng sẽ bỏ nghề mà thôi. Ngành này không còn khoản thu nhập nào khác ngoài phần hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và phụ huynh”.
Vấn đề một trường có nhiều điểm dạy và học cũng được các đại biểu đặt ra. Các ý kiến nhận định: Đa phần các điểm khác của trường không đảm bảo từ cơ sở vật chất đến vệ sinh an toàn thực phẩm, rồi sinh hoạt, vui chơi của các cháu, do các trường này chủ yếu được cải tạo từ nhà dân. Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, các khoản thu hiện nay không còn phù hợp. Đơn cử, khoản thu phí vệ sinh chỉ 5.000 đồng/cháu/tháng, trong khi nhà trường phải trang bị nhiều.
Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Bé, Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp KCN tại TPHCM, nêu thực tế: Suốt thời gian dài, việc đầu tư xây dựng các KCX-KCN tại TPHCM chỉ quan tâm hạ tầng kỹ thuật, ít quan tâm dành đất xây dựng nhà trẻ, nhà lưu trú. Chỉ tính KCX Linh Trung 1 và 2 có đến 7.400 cháu đang ở độ tuổi mầm non. Trong khi đó, công nhân hiện nay phải làm việc theo ca, thậm chí tăng ca 3.
Trở lại vấn đề chung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Huỳnh Công Hùng khẳng định: Tiền lương, chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non có quá nhiều bất cập. “Đây là nỗi chua cay mà giáo viên phải chịu đựng. Chính sách, đề án sửa đổi cho vấn đề này thực hiện rất tốt nhưng việc triển khai quá chậm trễ. Nếu không giải quyết nguyên nhân sâu xa mà cứ giải quyết phần ngọn thì rất khó”, ông Hùng nói.
-
Cần chính sách xã hội hóa cụ thể
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa không có lối ra. Từ kinh nghiệm chỉ đạo, điều hành tại địa phương mình, bà Đổng Thị Kim Vui, Bí thư Quận ủy quận 8, cho rằng, trách nhiệm của Quận ủy, UBND, Phòng GD-ĐT quận có vai trò rất lớn. Quan trọng là phải chủ động tìm giải pháp cấp bách, chủ động đề xuất chủ trương hợp lý để tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là công tác quy hoạch trường lớp. Quận 8 có 11 trường mầm non với 55 điểm lẻ. Quận đã xây dựng đề án xóa điểm lẻ trên địa bàn. Theo đó, những điểm nào đủ điều kiện, phù hợp quận sẽ duy trì, cải tạo, xóa những điểm diện tích nhỏ. Quận cũng chủ động quy hoạch xây dựng 7 trường mầm non để xóa 55 điểm lẻ tại 7 khu đất. Trong đó, quận đã vận động được doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng 3 khu có diện tích 1.400 - 4.000m² để giao cho quận đầu tư trường lớp. Hiện quận đã lập dự án chuẩn bị đầu tư, theo kế hoạch dự án hoàn tất năm 2013. Còn 4 khu đất quận đang đề nghị TP bố trí vốn để thực hiện, dự kiến, đến năm 2015 sẽ hoàn tất.
Đại biểu HĐND TP Nguyễn Quý Hòa đề xuất: Xã hội hóa đầu tư giáo dục mầm non cũng là giải pháp để giải quyết những bất cập, tồn tại nói trên. Tuy nhiên, chính sách đầu tư xã hội hóa phải thật cụ thể để những người tham gia dễ dàng thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận thừa nhận việc đầu tư trường lớp hiện không theo kịp sự phát triển của đô thị. Việc đầu tư các KCX-KCN chưa chú trọng đến xây dựng cơ sở phúc lợi xã hội. TP đã thấy khiếm khuyết này, do vậy TP sẽ đặt lại vấn đề một cách nghiêm túc theo hướng rà soát tất cả các KCX-KCN để quy hoạch lại quỹ đất xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo và giao các quận-huyện quản lý, lập dự án đầu tư theo nguồn vốn ngân sách.
Về bất cập trong tiền lương, cơ chế, chính sách cho giáo viên bậc học mầm non, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP cho biết Đoàn ĐBQH và HĐND TP sẽ tiếp tục kiến nghị Quốc hội sửa đổi.