CÁNH ĐỒNG (NGÂN HOA)


CÁNH ĐỒNG (NGÂN HOA)

Trên báo Nhân dân hằng tháng có một chuyên mục tôi rất thích: Sống trong đời sống. Chuyên mục in tản bút - những lần đi vào đời sống của người viết. Thực thì, tất cả chúng ta, không chỉ riêng người viết, đều cần đi vào đời, để thấy cái mênh mông lớn rộng, cái sâu xa thâm huyền của đời.

Và may thay, với tôi, thơ mở ra cánh cửa giúp tôi đi vào đời, để từ đó, sống sâu hơn.

Bài thơ Cánh đồng của Ngân Hoa gợi lên trong tôi những kí ức trẻ dại, đánh thức nơi tôi những cảm giác đã lâu im ngủ, khơi mở những suy tư về vũ trụ và đời người.

Khi đọc nhan đề bài thơ, tôi lập tức hình dung ra không gian mênh mông của đồng nội “Đứng bên ni đồng, ngó bên tê đồng, mênh mông bát ngát…”, với trời xanh, nắng vàng, “lúa ở đồng nàng”, “lúa ở đồng anh”. Tôi như thấy lại tôi chạy trên bờ đê lộng gió cùng lũ bạn thả diều. Tôi như thấy lại tôi tò mò, thích thú khi phát hiện ra một ổ trứng sáo. Tôi như thấy lại tôi chân lội xuống lớp bùn mát lạnh…Những hình dung ấy của tôi hẳn cũng là lẽ thường. Nhưng “văn học hay khi nó chất vấn những lẽ thường”, văn học hay khi người nghệ sĩ “phát biểu những vẻ đẹp ở chỗ không ai ngờ tới”. Ngân Hoa đã làm được điều ấy ở “Cánh đồng”.

Tứ của bài thơ thật đẹp, thật lạ

(1)Một cánh đồng mùa xuân hiện diện trên những đóa cúc tỏa sáng trên chiếc bình gốm sẫm màu. Hơi thở của mùa xuân, của đất đai, của bầu trời vẫn vẹn nguyên trên hoa, trên bình. Mà nhân vật trữ tình tưởng như có thể vươn tay ra là chạm thấy:

Chạm vào em một chiếc lá già nua, một nụ hoa bé bỏng, một hơi thở run run, một làn sương ẩm ướt

Chạm vào em một lảnh lót trong veo, một rền vang trầm đục, một nức nở âm u, một lặng câm rực rỡ…

Hai câu thơ khẽ như hơi thở, dài như hơi thở cố nén. Em ở đây là lá, là hoa, là làn sương, là lảnh lót… Em là sự sống-sự sống hồn nhiên, tinh khôi, diệu kì. Tôi đang chạm vào em trong niềm xúc động dạt dào. Cũng có thể em là tôi, với thiên nhiên, tôi cũng là một em bé bỏng, ngây thơ, bầu bạn. Trong mối giao hòa tuyệt diệu giữa con người và sự sống quanh mình, ta có thể, không chỉ nhìn thấy những gì hiện hữu như chiếc lá hay làn sương mà còn cảm được những thanh âm vô hình, huyền diệu một lảnh lót trong veo, một rền vang trầm đục, một nức nở âm u, một lặng câm rực rỡ ….Ở những lời, những chữ ấy, ở sự tài tình trong cách sắp đặt (những tương phản được đặt cạnh nhau: vang rền/trầm đục…) ta đọc thấy một tâm hồn “sống trong đời sống”, thức nhận cái mong manh của những ranh giới, cái mơ hồ của những đường viền.

(2)Mạch thơ tiếp tục với những cảm xúc của “em” khi ngắm bình hoa mùa xuân. Ùa về trong em là những kỉ niệm. Em thấy mình chạy giữa “cánh đồng rộng lớn mùa xuân”, “chân ngập trong đất mềm tơi xốp”. Em, bằng sự trong veo của tâm hồn, sự mẫn cảm của trái tim, trí tuệ, đã nhận ra đất ấp ôm sự sống trong mình:

Em gọi tên những loài hoa chưa kịp mọc

Em gọi tên những trái cây chưa kịp ra đời

Những trái cây đang ngủ trong hạt mầm vừa nứt

Đang ngủ trong đóa hoa nấp dưới đất cày

Lời em lặp lại như một điệp khúc, nhưng rất mực thầm thì. Bởi tất cả đều chưa thành hình, mới đang tạo hình, ẩn nấp trong lớp đất dày. Hình ảnh thơ thật lạ, thật phóng khoáng mà ta không thấy trong thơ cổ điển, vốn thiên về biểu hiện thế giới với những thuộc tính vốn có của nó, mang tính chất tĩnh tại, vĩnh hằng, cũng ít thấy trong Thơ mới, nơi thế giới lần đầu được nhìn ngắm trực tiếp, hình ảnh thấm đẫm cảm xúc chủ quan của con người. Loài hoa chưa kịp mọc, trái cây chưa kịp ra đời, đóa hoa nấp dưới đất cày…những hình ảnh gây ấn tượng mạnh mẽ, khơi gợi những cảm xúc thẩm mĩ ở người đọc. Cái gì không hiện diện không có nghĩa là không tồn tại, cái đang hiện diện luôn chứa trong nó vô vàn những khởi nguyên. Có đóa cúc đang tỏa sáng trên chiếc bình gốm này cần những hạt mầm được đất ấp ủ. Những trái cây cũng khởi đầu từ đất, đang ngủ trong hạt mầm vừa nứt, đang ẩn trong bông hoa chưa kịp mọc. Bí ẩn, sâu xa và diệu kì làm sao sự sống trong vũ trụ này! Đọc những vần thơ của Ngân Hoa, ta được một bài học “trông nhìn và thưởng thức”, để yêu hơn cuộc sống và bớt nông nổi trong những phán suy.

(3) Chiếc bình hoa tiếp tục đánh thức ở nhân vật trữ tình những cảm xúc và suy tưởng, những suy tưởng vừa phóng khoáng vừa liên hoàn, vừa quen vừa lạ.Ta thường ngắm hoa mà không thấy bình, ngắm hoa ngắm bình mà không thấy đất đai, cánh đồng, nắng, gió. Ta phải cảm ơn Ngân Hoa nhiều lắm vì thức tỉnh ta rằng:

Dưới lớp đất cày có những chiếc bình gốm

Chưa kịp thành hình chờ đợi các loài hoa

Những chiếc bình gốm, trước khi xuất hiện trong cửa hàng, trong phòng khách, đã ở trong lớp đất cày, là chính đất cày. Những chiếc bình chưa kịp thành hình vì “chờ đợi các loài hoa”. Ngân Hoa, và cả Xuân Quỳnh sau này, đúng là đã “hiểu sâu xa về sự vật quanh mình”, về mối liên hệ kì diệu giữa chúng:

Cánh buồm trôi cho dòng sông sống lại

Hoa mướp vàng để dựng giàn mướp dậy

Rau sam chua cho đất biết đang còn

(Xuân Quỳnh-Những sự vật còn sống)

Thế là ngắm một bình hoa, thi sĩ thấy một cánh đồng; suy tưởng về cánh đồng cũng là suy tưởng về sự sống. Niềm mến yêu sự sống, thái độ nâng niu trân trọng sự sống trong bài thơ là biểu hiện của một tư tưởng nhân văn sâu sắc. Trong hình thức thơ tự do, Ngân Hoa đã triển khai những cảm xúc và suy tưởng của mình một cách sống động và sắc nét. Hình ảnh, nhịp điệu …phóng khoáng, giàu sức gợi cũng là một thành công của bài thơ. Đọc Cánh đồng, ta thấy sự dụng công của người làm thơ, nhưng nếu không “sống trong đời sống” bằng trái tim mình, Ngân Hoa không thể truyền sang độc giả cái niềm xúc động, mến yêu cuộc đời như thế. Với tôi, Cánh đồng không chỉ là một bài thơ, là vì vậy.

(Nghiêm Thị Thanh Huyền – Tổ Văn Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ)

Liên kết website