Ba cô giáo dạy Địa của tôi!


Gửi tới ba cô giáo của con lời tri ân sâu sắc nhất! Gửi tới đồng nghiệp và những học trò của tôi những người thầy đang trăn trở đi tìm giá trị đích thực của nghề nghiệp…

Mỗi sáng thức giấc tôi có thói quen bóc một tờ lịch để đón chào ngày mới. Hôm nay - ngày 24 tháng 2, tôi tình cờ đọc được một câu danh ngôn rất ý nghĩa: “Cảm thấy biết ơn mà lại không thể hiện ra thì chẳng khác gì gói lại một món quà mà không đem trao tặng vậy.” (William Arthur Ward). Câu nói đó nhắc nhở về một dự định ấp ủ đã hai năm nay – kể chuyện về cuộc đời ba cô giáo dạy Địa lý của tôi.

Dưới cái nắng vàng giòn, “như thiêu như đốt” của những ngày gió Lào càng làm cho mảnh đất miền Trung trở nên khắc nghiệt. Ở đó – nơi khoảng đồi trơ trọi bị bao phủ bởi lớp bụi trắng xóa trên nền đá trầm tích già nua, không một bóng cây, có một ngôi trường mọc lên. Tưởng chừng thời gian như chững lại, không gian như chùng xuống, buồn lắm!

Vậy mà, trong những lớp học, giờ Địa Lý vẫn rất sôi nổi bởi vô vàn điều mới lạ cô mang đến cho chúng tôi. Tôi đang kể về cô Hà Nguyệt – cô giáo dạy Địa cấp hai.

Ngày ấy, nếu cô không đứng ra “bảo lãnh” cho tôi được đi thi học sinh giỏi chắc không có “Thầy Địa Lý” là tôi ngày hôm nay. Ẩn chứa trong mỗi lời giảng, mỗi việc làm, dường như cô đang kể cho chúng tôi câu chuyện cảm động về tấm lòng người thầy “Tất cả vì học trò”. Cách đây 10 năm, sách tham khảo là cái gì đó rất “xa xỉ” với đồng lương quá ít ỏi của giáo viên. Để có tài liệu cho chúng tôi ôn thi, cô đã phải ngồi hàng giờ trong cửa hàng sách, đọc, ghi nhớ rồi chép lại. Cuốn tập đó cho đến bây giờ tôi vẫn giữ, trân trọng để nhắc nhở mình: “Đã là thầy giáo thì phải luôn hết lòng vì học sinh!”

Ngày mồng ba Tết, tôi đến thăm. Cô vẫn vậy, góa bụa và cô đơn trong căn nhà rộng lớn. Chồng cô mất sớm, “một tay” hai đứa con; “tay kia” là những trang giáo án và lũ “nhất quỷ nhì ma”. Tất cả khiến thân hình vốn đã nhỏ bé lại càng còm cõi hơn.

- Các em đều đi học xa, và ở lại thành phố làm việc. Thế cô có dự định gì không ạ? Tôi hỏi.

- Chắc cô cũng đi theo chăm sóc tụi nhỏ luôn em, chứ ở nhà thì…

Một nỗi buồn sâu thẳm thoáng hiện lên trên khuôn mặt khắc khổ khiến tôi thấy chạnh lòng.

Rời nhà cô với bao tâm trạng, tôi tới để thắp hương cho người cô đã khuất. Cô Lai là giáo viên dạy đội tuyển học sinh giỏi Địa cấp tỉnh. Căn nhà nhỏ mấy ngày này lúc nào cũng ấm cúng. Mỗi khi Tết đến, các thế hệ học trò lại về bên cạnh, thắp nén nhang để làm ấm lòng cô giáo. Thoảng qua như một cơn gió thổi về từ cõi tâm linh, bỗng chốc cô và chúng con đã trở thành người của hai thế giới. Thương cô lắm mà không sao nói nên lời. Chỉ thấy sống mũi cay cay rồi khóe mắt nhòa đi cùng hoài niệm…

Em nhớ mãi câu nói của cô: “Môn Địa không bao giờ khô khan”. Đúng vậy! Qua những lời cô giảng, Địa Lý luôn ăm ắp hơi thở và hương vị cuộc sống. “Ở thời nào, người phụ nữ Việt Nam cũng khổ!” cô đã từng tâm sự với chúng em như thế khi dạy bài “kết cấu dân số theo giới”. Để rồi, cuộc đời cô cũng bất hạnh như những nhân vật trong câu chuyện cô thường hay kể. Người chồng phụ bạc, một mình với gánh nặng bốn đứa con, mẹ già và người chị gái không có gia đình. Bỏ lại đằng sau tất cả những tủi nhục và khổ đau để tìm thấy niềm vui bất tận từ học trò và môn Địa Lý đã trở thành máu thịt. Đó là cách cô khiến tất cả chúng tôi khâm phục!

Ngày cô nằm viện ở Hà Nội, tôi tới thăm. Bệnh ung thư giai đoạn cuối hành hạ cô trong những cơn đau quằn quại, không dứt. Nhưng trước mắt tôi vẫn là hình ảnh người cô hoạt bát, vui vẻ, kể một cách say sưa về học trò của mình với mọi người xung quanh. Run run nắm lấy bàn tay tôi, cô căn dặn: “Thắng phải cố gắng học thật giỏi để trở thành thầy giáo tốt em nhé”. Tôi đâu biết rằng, đó cũng là những lời yêu thương cuối cùng. Căn bệnh quái ác đã đưa cô giáo kính yêu của chúng tôi ra đi mãi mãi.

Khói hương nghi ngút mang theo nỗi niềm trắc ẩn của cậu học trò nhỏ. Chắp tay, cầu mong ở thế giới bên kia cô giáo tôi được hạnh phúc!

Trên con đường quê yên bình, vắng lặng, vừa đi tôi vừa suy ngẫm về số phận người cô của mình. Chiếc xe máy đang lăn bánh đã dừng lại trước cổng nhà cô giáo dạy Địa cấp 3 của tôi. Cô năm nay đã ngoài 60 tuổi, không gia đình. Cũng chính vì lẽ đó mà bao nhiêu tình yêu thương cô dành hết cho học trò. Tôi biết rõ về cuộc đời cô Hường qua lời kể của mẹ cũng là học sinh cũ của cô: “Ngày còn trẻ cô giáo con khổ lắm!” Sau nhiều lần sinh hạ không thành, người chồng quyết định chia tay. Từ đó, cô ở vậy, rồi nhận cưu mang một đứa bé bị người ta bỏ rơi. Lộc lớn lên trong tình yêu thương vô bờ bến của mẹ. Hai con người bất hạnh sống để bù đắp cho nhau những mất mát quá lớn.

Trong miền kí ức của chúng tôi, những năm tháng được cô dạy dỗ lúc nào cũng “êm đềm như những sớm mai”. Tôi không sao quên được khoảng thời gian “nước rút” tập trung cao độ cho kì thi học sinh giỏi. Tại căn nhà xinh xắn, mấy cô trò lúc nào cũng quấn quýt như gà mẹ với đàn gà con. Trước nhiều vấn đề hóc búa cô thường bảo cho cô thời gian tìm hiểu thêm, rồi sau đó cô gọi điện thoại ngay cho chúng tôi khi có câu trả lời.

Năm lớp 12, khát vọng trở thành học sinh giỏi quốc gia tan thành mây khói. Tôi gục ngã và từ bỏ tất cả. Khi đó, cô đưa cánh tay ra, nâng tôi dậy, cho tôi nghị lực bước tiếp trên con đường còn đầy chông gai. Vào cái ngày nhận được giấy báo trúng tuyển Đại học Sư phạm, chúng tôi “chạy ù” đến nhà cô báo công. Vừa cười, cô vừa ra chỉ thị: “Mấy đứa liệu mà cử đại diện ở lại làm giảng viên cho cô” và tôi đã thực hiện được tâm nguyện đó. Năm nay, cô lại kỳ vọng cao hơn: “Em phải là tiến sĩ của cô đấy nhé!”. Câu nói giản dị, đầy yêu thương, tin tưởng sẽ là động lực để tôi chinh phục những đỉnh cao của học vấn.

“Mồng ba tết thầy” khép lại cùng nhiều trăn trở, suy tư trong tôi, về ba cô giáo, về nghề nghiệp, về số phận, về cuộc đời. Ba con người, ba cảnh ngộ, kỳ lạ thay họ gặp nhau ở niềm đam mê cháy bỏng với nghề dạy học và tình yêu thương chan chứa họ dành cho học trò. Tôi thường hay chia sẻ với sinh viên của mình: “Không phải ngẫu nhiên trong vô vàn những con người của cuộc đời này chúng ta được gặp nhau. Hãy xem đó như là sự may mắn”. Đối với tôi, được gặp ba cô là điều kỳ diệu mà cuộc sống ban tặng.

Dù trong hoàn cảnh nào, đã là thầy thì phải hết lòng vì học trò.

Người thầy hạnh phúc luôn tìm thấy niềm vui bất tận từ học sinh, hãy xem môn học như là “máu thịt”.

Hãy luôn là đối cánh để ước mơ của học trò được bay cao, bay xa.

Đó là ba bài học lớn dạy tôi từ cuộc đời ba cô giáo dạy Địa của mình. “Thầy! ngọn nến âm thầm, lặng lẽ. Đốt cháy mình soi bước con đi”…Con nguyện được làm ngọn nến âm thầm các cô nhé!

Liên kết website